Lượt xem: 2087

Sóc Trăng tăng cường công tác quản lý chất lượng tôm giống phục vụ nghề nuôi

Thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng đang bước vào vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021. Xác định, “nhất giống, nhì môi, tam mồi, tứ kỹ” nên vấn đề quản lý chất lượng tôm giống luôn là yếu tố then chốt được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đặt lên hàng đầu, từ đó triển khai nhiều giải pháp trong công tác ương dưỡng và tầm soát dịch bệnh để hướng đến một vụ nuôi thành công.

    Hằng năm, tỉnh Sóc Trăng luôn duy trì diện tích nuôi tôm nước lợ hơn 51.000 hecta. Với diện tích này, nhu cầu tôm giống cần thiết để phục vụ cho nghề nuôi tôm thương phẩm của tỉnh là 16,3 tỷ con mỗi năm; trong đó tôm thẻ chân trắng khoảng 14 tỷ con và tôm sú khoảng 2,3 tỷ con. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 06 cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, cơ bản chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu của người nuôi tôm trong tỉnh; số lượng tôm giống còn lại chủ yếu được nhập từ các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Vũng Tàu, Cà Mau,...


Kiểm tra công tác ương dưỡng tôm giống tại Công ty TNHH Ngọc Minh.

 

    Để đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời, phục vụ công tác quản lý giữa Tổng cục Thủy sản với các địa phương cung cấp và tiêu thụ giống tôm nước lợ cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về nâng cao chất lượng tôm giống, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 10 tỷ USD vào cuối năm 2025; hằng năm, ngành Thủy sản Sóc Trăng luôn tham gia ký kết quy chế phối hợp quản lý tôm nước lợ giữa các địa phương ven biển. Công tác tuần tra, kiểm soát vận chuyển tôm giống thủy sản và thực hiện quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin về số lượng tôm giống nhập, xuất trên địa bàn tỉnh đã được ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh quan tâm thực hiện.  Đối với công tác tuần tra, kiểm tra giống liên ngành, tính riêng trong năm 2020, đoàn đã tổ chức kiểm tra được 72 lượt xe, phát hiện 09 trường hợp vi phạm vận chuyển giống thủy sản không có giấy chứng nhận kiểm dịch với số lượng tôm giống là 5.256.000 con tôm post thẻ chân trắng, giảm 04 trường hợp so với năm 2019. Ngoài việc tăng cường kiểm dịch nguồn gốc tại các cơ sở sản xuất giống thì công tác tầm soát và cảnh báo dịch bệnh trên tôm giống cũng được cơ quan chuyên môn đặc biệt chú trọng. Theo đó, thực hiện chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm giống tại các cơ sở sản xuất, kinh doanhh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; trong năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thu 205 mẫu xét nghiệm, có 55 mẫu dương tính chiếm tỉ lệ 26,83%. Kết quả có 02 mẫu dương tính với bệnh đốm trắng, 02 mẫu dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp và 34 mẫu dương tính với bệnh vi bào tử trùng.

    Cũng như nhiều vùng nuôi trọng điểm của tỉnh; thời điểm hiện tại thị xã Vĩnh Châu đã khởi động vụ nuôi tôm nước lợ năm 2021 theo khung lịch khuyến cáo chung của ngành chuyên môn. Từ đầu năm đến nay, do thời tiết và điều kiện môi trường còn diễn biến khá phức tạp nên người dân tại địa phương chủ yếu thực hiện các khâu cải tạo đầu vụ như: Sửa ao, bón vôi, lấy nước... Để tăng cường công tác quản lý giống, địa phương đã thành lập đội liên ngành thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh, ương dưỡng giống trên địa bàn. Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu cũng tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nước lợ trên Đài Truyền thanh thị xã, trong đó đặc biệt là các biện pháp kỹ thuật trong chọn giống, các phương pháp và chỉ tiêu xét nghiệm để chọn được con giống tốt nhất. Đồng chí Nhan Trung Nghĩa - Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Chúng tôi cũng thường xuyên thực hiện thu mẫu tôm giống tại các trại, từ đó phát hiện kịp thời một số lô tôm giống dương tính với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tiến hành tiêu hủy kịp thời. Ngoài ra, Trạm cũng tăng cường công tác kiểm dịch trên tôm giống tại các trại đẻ. Tính từ đầu năm đến nay đã thực hiện kiểm dịch được 15 triệu giống tại các trại đẻ trên địa bàn”.

    Là một trong những cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô lớn tại thị xã Vĩnh Châu; được sự hướng dẫn của Chi cục Thủy sản tỉnh và Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Công ty TNHH Ngọc Minh đã  thực hành tốt các biện pháp an toàn sinh học trong sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ; áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý để ngăn ngừa tác nhân sinh học gây bệnh cho người, vật nuôi và môi trường, đảm bảo cung cấp cho người nuôi có được nguồn tôm giống chất lượng và góp phần cho một vụ nuôi thắng lợi. Ông Phạm Kim Huy – nhân viên kỹ thuật Công ty TNHH Ngọc Minh cho biết thêm: “Quy trình nuôi toàn bộ đều dùng chế phẩm sinh học, không sử dụng chất kháng sinh, thức ăn chủ yếu cho tôm là artemia và một số thức ăn hỗn hợp được mua tại những cơ sở có uy tín” .

    Riêng tại Cơ sở sản xuất tôm giống Gia Hóa Bình Minh, với phương châm chất lượng tôm giống quyết định đến thương hiệu sản phẩm; việc ương dưỡng tôm giống cũng được cơ sở thực hiện hoàn toàn theo quy trình vi sinh, không sử dụng kháng sinh. Tại cơ sở cũng đã xây dựng phòng chuyên môn giúp quản lý tốt các khâu cân định lượng dinh dưỡng thức ăn cho tôm giống, công tác xử lý nước tại từng trại nuôi cũng được cơ sở thực hiện theo hình thức tuần hoàn nước. Đặc biệt, từng lô tôm giống từ ngày nhập đến khi xuất đều được kiểm soát chặt chẽ và được gửi mẫu đến cơ quan kiểm dịch trước khi cung ứng đến vùng nuôi. Hiện cơ sở có thể sản xuất từ 20 đến 30 triệu con tôm giống mỗi tháng, trung bình lượng con giống cung ứng cả trong và ngoài tỉnh từ 400 đến 500 triệu con mỗi năm.

    Lịch thả nuôi tôm nước lợ tại tỉnh Sóc Trăng bắt đầu từ ngày 20/01 và kết thúc vào ngày 30/9 (dương lịch). Tính đến thời điểm này, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên toàn tỉnh đạt hơn 7.000  hecta. Theo kinh nghiệm của người nuôi tôm, trong một vụ nuôi các tác động xấu từ mầm bệnh và môi trường thường có nguy cơ 30% ảnh hưởng đến con tôm, nhưng nếu con tôm giống không tốt, nguy cơ này sẽ tăng lên 80%, vụ nuôi đó cũng gần như thất bại hoàn toàn. Chính vì vậy, thời gian tới Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tăng cường thêm nhiều giải pháp để thực hiện có hiệu quả hơn công tác tầm soát và cảnh báo dịch bệnh trên tôm. Đồng chí Đào Văn Bảy - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng thông tin: “Cụ thể ngành sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển giống không có giấy kiểm dịch. Tiếp tục triển khai chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm giống để cảnh báo và khuyến cáo cho người nuôi, nếu kết quả mẫu tôm giống không đạt chất lượng sẽ tiến hành tiêu hủy. Chúng tôi đề nghị phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng kinh tế các huyện, thị xã cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra các cơ sở sản xuất cũng như phương tiện vận chuyển tôm vào địa phương mình, đảm bảo cung ứng cho bà con nguồn tôm giống thật sự chất lượng và sạch bệnh” .

    Năm 2021, tỉnh Sóc Trăng đặt mục tiêu đạt diện tích nuôi tôm nước lợ là 51.000 ha, sản lượng 172.000 tấn. Những “con số” đã nêu chỉ là nhiệm vụ trước mắt; mục tiêu lâu dài và then chốt là thủy sản, mà trọng tâm là con tôm nước lợ phải khẳng định được chuỗi giá trị bền vững với đa dạng thị trường hơn. Vì vậy, tầm soát và cảnh báo dịch bệnh trong ương dưỡng giống tôm nước lợ là vô cùng cần thiết để tạo ra con tôm sạch, an toàn, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ của tỉnh.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 8332
  • Trong tuần: 79,039
  • Tất cả: 11,802,359